Giỏ hàng

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Bài học thực tế từ doanh nghiệp

Đó là chia sẻ của TS. Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Hanoimilk - tại hội thảo “Tăng cường khả năng quản lý, thúc đẩy hoạt động SHTT trong doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học” tổ chức ngày 6/12, tại Hà Nội.

Sớm đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

TS Hà Quang Tuấn cho biết: Hanoimilk đã sớm tiếp cận và đặc biệt quan tâm đến công tác SHTT. Chúng tôi đã tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay từ ngày thành lập công ty và quan tâm đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mới trước khi chính thức đưa sản phẩm ra thị trường.

Nhận thức rõ việc bảo vệ quyền SHTT của mình là rất quan trọng và tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp, nên cho đến nay Hanoimilk đã đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT các đối tượng SHTT là 18 nhãn hiệu. Ngoài ra, Hanoimilk còn đăng ký SHTT nhãn hiệu tại Trung Quốc.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác SHTT trong doanh nghiệp, công ty tích cực và thường xuyên cử cán bộ tham dự các hội thảo, lớp tập huấn về SHTT do Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ và các tổ chức quốc tế tổ chức trong nước tổ chức, qua đó nâng cao trình độ, kỹ năng về quản trị tài sản trí tuệ trong công ty.

bao ve quyen so huu tri tue bai hoc thuc te tu doanh nghiep
TS Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Hanoimilk

Chia sẻ thêm về các thuận lợi và khó khăn trong công tác bảo hộ SHTT, đại diện Hanoimilk cho biết: Sữa là sản phẩm có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt với nhóm khách hàng quan trọng của công ty là trẻ em. Do vậy, việc khai thác thông tin SHTT phục vụ việc áp dụng và đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm; vấn đề chuyển giao công nghệ; vấn đề bao bì, mẫu mã sản phẩm; vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh; vấn đề khai thác giá trị thương hiệu... được coi là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sữa, luôn tiên phong về đổi mới công nghệ và sáng tạo, do đó Hanoimilk có rất nhiều tài sản trí tuệ cần được bảo hộ. Bên cạnh các tài sản trí tuệ truyền thống như nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế thì bí mật kinh doanh, danh sách nhà phân phối, khách hàng cũng như các concept sản phẩm, concept marketing và các sáng tạo liên quan.... cũng là các loại tài sản trí tuệ cần được quản lý và khai thác.

Xây dựng bộ phận chuyên trách quản trị tài sản trí tuệ

Bên cạnh thuận lợi, Hanoimilk cũng gặp khá nhiều khó khăn trong công tác bảo hộ quyền SHTT. Thứ nhất, hiện nay, công ty mới chỉ có tổng sổ 18 nhãn hiệu được đăng ký. Chưa có sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Các nhãn hiệu được đăng ký cũng chưa được quản lý và khai thác tốt nhất nhằm tận dụng giá trị của chúng phục vụ cho sự phát triển của công ty. Hanoimilk hiện cũng chưa có biện pháp và hệ thống các văn bản quy định để quản lý, khai thác các tài sản trí tuệ của mình cũng như chưa có biện pháp thực sự hiệu quả để thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT.

bao ve quyen so huu tri tue bai hoc thuc te tu doanh nghiep

Thứ hai, tổ chức hoạt động SHTT của công ty còn chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Nhận thức về bảo hộ quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu sản phẩm mới còn hạn chế, số lượng đối tượng SHTT: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu... cũng còn khiêm tốn so với tiềm lực công ty. Do đó, công ty chưa khai thác, tận dụng được các tiềm năng sẵn có của hệ thống tài sản trí tuệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của công ty.

Thứ ba, công tác thực thi quyền SHTT tại công ty hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đối với các sản phẩm của công ty vẫn xảy ra trong thời gian gần đây, gây thiệt hai không nhỏ và ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Chính vì vậy, việc tăng cường hiệu quả thực thi đang được đặt ra là vấn đề cấp thiết cần xử lý.

TS Hà Quang Tuấn cho biết, để khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy quá trình khai thác, chuyển giao quyền SHTT và bảo vệ tài sản trí tuệ của công ty cũng như các cá nhân trong công ty, Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội xác định cần thiết phải xây dựng một hệ thống tổ chức và cơ chế vận hành bộ phận SHTT cũng như triển khai một cách bài bản, có hệ thống công tác quản trị tài sản trí tuệ nhằm bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ, chuyển giao và thương mại hóa tài sản trí tuệ, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng và triển khai công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, phải xây dựng được và đưa vào vận hành trên thực tế một bộ phận chuyên trách để quản trị tài sản trí tuệ tại công ty. Thứ hai, xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo chuyên sâu về SHTT để tổ chức triển khai các hoạt động SHTT một cách tổng thể, đồng bộ, có hệ thống tại công ty. Thứ ba, xây dựng được và áp dụng vào thực tiễn chiến lược SHTT và chính sách quản lý hoạt động SHTT tại công ty.

Danh mục tin tức